Giới thiệu chung xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên



An Hiệp là xã ở phía nam huyện Tuy An là một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống yêu nước  cách mạng. Xã An Hiệp cách thị trấn Chí Thạnh 12km về hướng Nam. Vị trí địa lý của xã được xác định bởi tọa độ 120 23’49’’B và 1080 48’10’’Đ, ranh giới như sau:

– Phía Bắc giáp xã An Cư, Thị trấn Chí Thạnh

– Phía Đông giáp xã An Hòa Hải

– Phía Nam giáp các xã An Hòa Hải, An Mỹ, An Thọ

– Phía Tây giáp xã An Lĩnh.

     Từ năm Minh Mạng thứ 12 (1831) Phủ Tuy An được thành lập gồm có 5 tổng (69 làng). Tổng An Vinh, An Phú, An Hải thuộc vùng duyên hải và đồng bằng (xã An Hiệp ngày nay thuộc Tổng An Vinh), các tổng An Sơn, An Đức thuộc vùng trung du và miền núi.

Tháng 6 năm 1946, để phù hợp với tình hình chung trong cả nước, đổi tên đơn vị hành chính ở các cấp, bỏ cấp Tổng, đổi Phủ thành Huyện, nhập các làng thành xã, dưới xã là thôn. Phủ Công Ái đổi thành huyện Tuy An.

Tổng An Vinh được hình thành 3 xã: Liên Hiệp, Hạnh Phúc, Tiền Phong (xã Liên Hiệp được chia làm 7 vùng gọi là Vùng 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7).

Đến năm 1947, xã Liên Hiệp đổi tên thành xã An Hiệp gồm có 7 thôn: Phong Phú, Mỹ Phú, Mỹ Thạnh, Mỹ Huân, Tuy Dương, Hội Đức và Phước Hậu.

Năm 1964, xã An Hiệp, có diện tích 3.460 ha và có 7 thôn Mỹ Huân, Mỹ Thạnh, Tuy Dương, Hội Đức, Phước Hậu, Mỹ Phú, Phong Phú.

  Từ tháng 4/1975 đến năm 1977, xã An Hiệp có 4 thôn: Phong Phú, Mỹ Phú, Tuy Dương và Phước Hậu. Năm 1978, thành lập thêm thôn kinh tế mới Phú Xuân. Năm 2004, tách thôn Mỹ Phú thành 2 thôn Mỹ Phú 1, Mỹ Phú 2. Từ năm 2004 đến 2020, xã An Hiệp có 6 thôn: Mỹ Phú 1, Mỹ Phú 2, Phong Phú, Tuy Dương, Phước Hậu và Phú Xuân.

Hiện nay (năm 2021), xã An Hiệp có diện tích tự nhiên 4.596,77ha, dân số toàn xã có 2.626 hộ và 9.082 nhân khẩu. Xã An Hiệp có 6 thôn gồm Mỹ Phú 1, Mỹ Phú 2, Phước Hậu, Tuy Dương, Phong Phú, Phú Xuân với 37 xóm.

Cán bộ Công chức xã An Hiệp

Trung tâm xã nằm dọc theo Quốc lộ 1 nối với các xã phía Bắc và phía Nam của huyện Tuy An, có đường sắt Bắc – Nam đi qua nên có nhiều thuận lợi trong giao thông và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Đèo Quán cau và Đầm Ô loan xã An Hiệp

Nhân dân trong xã sống bằng nghề nông chiếm 85%, còn lại 15% buôn bán nhỏ và sống đánh bắt nuôi trồng thủy sản trên đầm Ô loan. Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh trên địa bàn xã tiếp tục ổn định và phát triển. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước từng bước được nâng cao, công tác cải cách hành chính được quan tâm tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ của địa phương.

Năm 2021, xã An Hiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Trò chơi dân gian đánh cờ người Lễ hội đền Lê Thành Phương

Phát huy truyền thống xã anh hùng, trong thời gian tới chính quyền và nhân dân xã An Hiệp cùng ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra và thực hiện đạt các chỉ tiêu cấp trên giao; phát triển nhanh và bền vững về kinh tế, ổn định về chính trị; công tác quản lý xã hội và an ninh trật tự được tăng cường; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giải quyết đơn thư, phòng chống tham nhũng; lĩnh vực văn hoá xã hội, an ninh chính trị được đảm bảo, tăng cường công tác quốc phòng – quân sự địa phương; sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tiến tới xây dựng Nông thôn mới nâng cao.

Chia sẻ: